0 GIỎ HÀNG
Giỏ hàng của bạn chưa có sản phẩm nào!

Nguyên nhân sốt phát ban ở trẻ và cách chăm sóc trẻ bệnh

Sốt phát ban ở trẻ là tình trạng trẻ bị sốt kèm theo các nốt ban đỏ nổi trên da. Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi là đối tượng rất dễ gặp phải hiện tượng này với nguy cơ lây lan cao. Nếu không có biện pháp điều trị, chăm sóc hợp lý thì sốt phát ban ở trẻ hoàn toàn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm não, viêm tai giữa.

1. Sốt phát ban ở trẻ là gì ? 

  • Sốt phát ban ở trẻ em là một bệnh lý được gây ra bởi virus, thường xuất hiện ở trẻ từ 6 tháng tuổi đến 3 tuổi vì trẻ trong độ tuổi này có sức đề kháng kém, hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện nên dễ bị virus tấn công
  • Các chủng virus gây sốt phát ban ở trẻ em có thể lây lan nhanh chóng giữa người sang người thông qua tiếp xúc cơ thể, tiếp xúc với các vật dụng cá nhân của người bệnh hay giọt bắn chứa virus gây bệnh khi người bệnh hắt hơi, ho, sổ mũi. Do đó, trẻ thường xuyên đến những nơi đông đúc, nhiều trẻ em như nhà trẻ, trường học sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

2. Nguyên nhân sốt phát ban ở trẻ ? 

  • Một nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chủ yếu gây sốt phát ban ở trẻ là do nhiễm virus (chiếm khoảng 70-80%), trong đó gồm các chủng virus điển hình như:

    1. Virus sởi

    Sau khi virus sởi xâm nhập vào cơ thể, trẻ sẽ bắt đầu sốt, cơn sốt này sẽ bắt đầu giảm nhẹ khi có sự xuất hiện của các vết ban. Những nốt ban đỏ do virus sởi gây ra có dạng sần, xuất hiện ban đầu ở tai sau đó lan rộng lên mặt và xuống phần dưới của cơ thể. Bên cạnh đó, trẻ bị sốt phát ban còn có thể xuất hiện các triệu chứng đi kèm như đỏ mắt, chảy nước mắt thường xuyên, ho, chảy nước mũi,… Sau khi những nốt ban này bay đi, vùng da xuất hiện vết ban trước đó sẽ bị thâm, nhìn giống như vằn hổ trên người trẻ.

    2. Virus rubella

    Trong một số trường hợp, trẻ có thể bị sốt phát ban do sự tấn công của virus Rubella. Thông thường, cơn sốt do sự xâm nhập của chủng virus này sẽ kéo dài trong 3 ngày, sau đó các vết ban bắt đầu xuất hiện từ mặt rồi lan rộng xuống dưới chân. Những nốt ban này thường có màu nhạt và phân bố dày đặc hơn các loại ban khác nên còn được gọi là sốt ban đào. Bên cạnh sốt và phát ban, trẻ còn có các biểu hiện khác như sưng hạch tai, hạch cổ, đau khớp, đau cơ,…

    3. Virus herpes 6, 7

    Theo thống kê, hầu hết trẻ bị sốt phát ban là do sự xâm nhập của một trong hai chủng virus Human Herpes 6 và virus Human Herpes 7. Đây là loại virus có khả năng lây truyền nhanh chóng từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người bệnh hay các vật dụng cá nhân của người bệnh,… Đa số trẻ bị nhiễm virus herpes 6,7 ở trong độ tuổi để trường hay nhà trẻ.

    4. Bọ chét, chấy, rận,…

    Bên cạnh các tác nhân gây bệnh kể trên, trẻ có thể bị sốt phát ban do bị nhiễm khuẩn từ vết cắn của các loại côn trùng nhỏ như bọ chét, chấy, rận,… Những loại côn trùng này thường ký sinh trên chó, mèo và các loại vật nuôi trong nhà hay ở những nơi không đảm bảo vệ sinh. Vết cắn của côn trùng khiến trẻ bị ngứa, vì vậy, trẻ có xu hướng gãi nhiều ở khu vực này, tạo ra nhiều vết thương hở trên bề mặt da. Điều này có thể khiến vi khuẩn gây sốt phát ban di chuyển vào máu. Một số trường hợp, trẻ có thể bị bệnh ngay cả khi không gãi.

 

3. Biểu hiện sốt phát ban 

  • Trước phát ban: Trẻ có biểu hiện quấy khóc. Sau đó, trẻ có biểu hiện sốt. Với từng loại nguyên nhân gây sốt phát ban thì lại có các biểu hiện sốt khác nhau: sốt phát ban do sởi, trẻ thường sốt cao kèm ho, chảy nước mũi và mắt đỏ; sốt phát ban do rubella trẻ chỉ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc không sốt.

  • Trong phát ban: Sau khi trẻ hạ sốt (một đến vài ngày từ khi trẻ có biểu hiện sốt), ban bắt đầu nổi. Lúc này, trẻ sẽ có các biểu hiện khác kèm theo như tiêu chảy, hoặc phân hơi lỏng. Ban thường lan từ mặt xuống cổ, ngực, bụng và các chi hình thành các bọc nước màu đỏ, số lượng từ vài chục đến hàng trăm. Nếu được chăm sóc và điều trị tốt ban thường lưu lại trung bình 3-5 ngày.

  • Sau phát ban: Nếu được chăm sóc đúng cách sẽ không để lại các vết thâm cho trẻ (ngoại trừ sởi). Trong trường hợp nhiễm khuẩn có thể để lại vết lở loét hình thành sẹo.

  • Căn bản trẻ trở lại vui chơi bình thường không để lại biến chứng. Nhưng nếu không điều trị và chăm sóc đúng cách có thể gây viêm phổiviêm tai giữađi ngoài ra máu hoặc nặng hơn là viêm não.

4. Chăm sóc trẻ sốt phát ban như thế nào?

  •   Hạ sốt cho bé: sử dụng các loại thuốc giảm đau hạ sốt cho trẻ theo khuyến cáo của bác sĩ. Ngoài ra cha mẹ hãy lau mát cơ thể trẻ, để bé mặc những bộ quần áo thoáng mát, rộng rãi.

    ●  Thông mũi, trị ho: nếu tần suất ho của trẻ gia tăng, cha mẹ có thể xin ý kiến bác sĩ về những loại thuốc trị ho hiệu quả. Ốm sốt ở trẻ em thường sẽ kèm theo cả triệu chứng chảy nước mũi và nghẹt mũi, do đó mẹ hãy vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày với nước muối sinh lý. Nhờ đó trẻ sẽ cảm thấy dễ thở hơn và hạn chế tình trạng biếng ăn, khó ngủ ở bé.

    ●  Bù nước: sốt cao thường khiến trẻ bị mất nước do tiêu chảy và nôn trớ nhiều. Mẹ hãy bù nước cho cơ thể bé bằng cách tăng cường lượng nước, lượng sữa bé uống hàng ngày. Oresol cũng là một cách để bù điện giải cho bé nhưng cần pha đúng tỷ lệ và liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất cha mẹ nhé!

    ●  Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho bé: nhiều bậc phụ huynh vì sợ con ốm sốt nên đã không tắm cho trẻ. Nhưng theo các chuyên gia y tế thì khi trẻ bị sốt, cha mẹ vẫn có thể tắm rửa sạch sẽ cho trẻ bình thường. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, thoải mái và giảm sốt hiệu quả. Tuy nhiên cần lưu ý rằng chỉ nên tắm cho bé trong khoảng 5 - 10 phút, lau khô người bé sau khi tắm, tắm trong phòng kín gió để hạn chế nguy cơ cảm lạnh hay viêm phổi.

    ●  Bổ sung dưỡng chất đầy đủ cho trẻ: trẻ sẽ thường có triệu chứng chán ăn, mệt mỏi, bỏ bữa khi bị ốm sốt. Do đó để kích thích trẻ ăn nhiều hơn, mẹ nên chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, không ép trẻ ăn, thay đổi thực đơn đa dạng hơn, để bé ăn những món dễ tiêu, dễ nuốt nhưng vẫn giàu dinh dưỡng như súp, cháo loãng, sữa,... Đặc biệt, mẹ nên tăng cường bổ sung các loại hoa quả giàu vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch cho bé nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, trẻ cũng cần kiêng những món ăn có thể khiến tình trạng sốt phát ban trở nên nghiêm trọng hơn như đồ cay nóng, nước ngọt, đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ,...

    ●  Dọn dẹp và vệ sinh sạch sẽ nơi ở, không gian sinh hoạt của bé, đồng thời vệ sinh và khử khuẩn đồ chơi của bé thường xuyên.

    ● Tránh để trẻ tiếp xúc với khói bụi và các dị nguyên có thể gây dị ứng cho đường hô hấp của trẻ như phấn hoa, lông thú cưng,... Ngoài ra, phụ huynh cũng nên tránh đưa trẻ tới những khu vực công cộng đông người trong thời gian trẻ đang bị ốm sốt.

 

 

 

 

 

 

Nguyên nhân sốt phát ban ở trẻ và cách chăm sóc trẻ bệnh
Bình luận
Viết bình luận