• Việt Nam
  • English
0 GIỎ HÀNG
Giỏ hàng của bạn chưa có sản phẩm nào!

Danh mục sản phẩm

Chăm sóc trẻ giảm tiểu cầu miễn dịch

1. Bệnh lý xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là gì?

Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em thường có căn nguyên là do miễn dịch. Đây là một tình trạng rối loạn chảy máu xảy ra khi hệ thống miễn dịch của trẻ tấn công và phá hủy các tiểu cầu. Các nguyên nhân của giảm tiểu cầu miễn dịch chưa được biết rõ ràng, có thể có mối liên hệ với nhiễm virus gần đây, sử dụng một số loại thuốc, bị rối loạn miễn dịch (bao gồm lupus) hay mắc các bệnh lý nhiễm trùng nặng.

Tiểu cầu là các tế bào máu lưu thông trong dòng tuần hoàn có vai trò giúp đông và cầm máu. Trẻ bị giảm tiểu cầu có thể xuất hiện chảy máu ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. May mắn là xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em do miễn dịch sẽ tự thuyên giảm trong vài tuần đến vài tháng. Một số trường hợp có thể cần dùng thuốc để điều trị hoặc bệnh tự khỏi.

Tuy nhiên, khi xuất huyết giảm tiểu cầu trẻ em kéo dài vài tháng đến vài năm, tình trạng này có thể trở thành một bệnh lý mãn tính.

2. Cách điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em như thế nào?

Lý do chính để điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em là giảm các triệu chứng chảy máu và/ hoặc để cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ, giúp trẻ có đủ cơ hội lớn lên và phát triển như bạn bè cùng trang lứa.

Nguyên lý chung trong chăm sóc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu là theo dõi công thức máu, khi số lượng tiểu cầu thấp hơn 10.000 có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Nếu tình trạng này xảy ra, liệu pháp tạm thời cần thực hiện là phải làm tăng số lượng tiểu cầu để giảm thiểu nguy cơ chảy máu có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Các lựa chọn điều trị cho xuất huyết giảm tiểu cầu bao gồm:

  • Quan sát bằng cách theo dõi thường xuyên số lượng tiểu cầu và theo dõi các triệu chứng chảy máu

  • Ngừng các loại thuốc được cho là gây ra xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em

  • Điều trị nhiễm trùng.

Các phương pháp điều trị khác cũng có thể được xem xét, bao gồm sử dụng steroid (thường là prednisone), truyền globulin, thuốc ức chế hệ thống miễn dịch hay Rituximab, thuốc giúp cơ thể tạo ra nhiều tiểu cầu hơn. Những loại thuốc này “đánh lừa” phản ứng của cơ thể để nó không tiếp tục phá hủy tiểu cầu hoặc giúp cơ thể tạo ra nhiều tiểu cầu hơn. Trong một số trường hợp kháng trị với thuốc, phẫu thuật cắt lách có thể được khuyến nghị.

3. Những lưu ý trong chăm sóc trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu

Khi chăm sóc trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu, phụ huynh cần lưu ý những điều sau đây:

  • Chăm sóc làn da và niêm mạc của con thường xuyên. Sử dụng bàn chải đánh răng mềm để tránh chảy máu nướu răng của trẻ. Cho trẻ dùng son dưỡng để môi không bị nứt nẻ. Sử dụng khăn mềm khi tắm. Bôi kem dưỡng da lên vùng da khô. Đừng cắt móng tay quá ngắn. Cho trẻ đi dép hoặc giày bít mũi để bảo vệ chân, nhất là các ngón chân.

  • Không để trẻ làm các hoạt động có thể gây thương tích hay tham gia các môn thể thao tiếp xúc đối kháng như đấu vật, bóng đá.

  • Không cho trẻ uống aspirin hoặc thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Những loại thuốc này có thể ngăn cản chức năng tiểu cầu và sẽ khiến trẻ dễ bị chảy máu hay bầm tím hơn.

  • Chăm sóc các vết cắt, vết xước trên da hoặc chảy máu cam. Ngay khi phát hiện, dùng lực ấn mạnh, đều đặn lên vết cắt hoặc vết xước trên da. Dùng gạc hoặc khăn sạch che trên vết thương và nâng phần cơ thể lên cao hơn tim để hạn chế chảy máu. Nếu trẻ chảy máu mũi, hãy nắm chặt phần cánh mũi của trẻ cho đến khi máu ngừng chảy.

  • Luôn mang theo biển cảnh báo y tế là trẻ bị giảm tiểu cầu trên người trẻ như vòng cổ hay vòng đeo tay, ghi trên áo để trẻ được can thiệp tốt nhất khi xảy ra biến cố chấn thương, chảy máu.

Việc điều trị bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào các triệu chứng, độ tuổi cũng như sức khỏe tổng thể. Nhìn chung, tiên lượng của căn bệnh này ở trẻ em rất tốt, cơ thể sẽ ngừng tạo kháng thể tấn công vào tiểu cầu và trẻ có thể tự hồi phục trong vòng 6 tháng. 

Để tìm kiếm đặt thuốc và tư vấn bạn có thể gọi theo Hotline hoặc liên hệ trực tiếp qua Zalo 

Bình luận
Viết bình luận