0 GIỎ HÀNG
Giỏ hàng của bạn chưa có sản phẩm nào!

Chàm Da là gì? Căn Bệnh Ngứa Kinh Niên Khiến Nhiều Người Mệt Mỏi – Cách Điều Trị Đúng Ngay Từ Đầu

Chàm da là bệnh lý mãn tính, không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát tốt nhờ kết hợp dưỡng ẩm, thuốc điều trị phù hợp và thay đổi lối sống. Việc nhận diện đúng loại, điều trị sớm và điều chỉnh hàng ngày là chìa khóa giảm triệu chứng, ngăn ngừa tái phát và nâng cao chất lượng cuộc sống.

1. Chàm da là gì?

  • Chàm da (eczema) là một nhóm bệnh lý viêm da mạn tính, đặc trưng bởi hiện tượng rối loạn hàng rào bảo vệ da, dẫn đến tình trạng khô da, viêm, ngứa kéo dài và tái phát nhiều lần. Trong các phân loại bệnh da liễu, chàm được xếp vào nhóm viêm da không đặc hiệu (nonspecific dermatitis).

2. Chàm da được chia thành bao nhiêu loại ? 

Chàm da được chia thành nhiều thể, mỗi thể có đặc điểm riêng biệt về vị trí, hình thái tổn thương và cơ chế bệnh sinh:

  • Viêm da cơ địa (Atopic Dermatitis): phổ biến ở trẻ nhỏ, khởi phát sớm, liên quan cơ địa dị ứng (hen, viêm mũi dị ứng).

  • Chàm tiếp xúc dị ứng (Allergic Contact Dermatitis): do phản ứng quá mẫn type IV với dị nguyên (kim loại, mỹ phẩm, chất tẩy…).

  • Chàm tiếp xúc kích ứng (Irritant Contact Dermatitis): thường gặp ở người tiếp xúc hóa chất thường xuyên (xà phòng, dung môi…).

  • Chàm tổ đỉa (Dyshidrotic Eczema): đặc trưng bởi mụn nước nhỏ, ngứa nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân.

  • Chàm đồng tiền (Nummular Eczema): tổn thương tròn, giới hạn rõ như đồng xu.

  • Chàm do ứ đọng (Stasis Dermatitis): hay gặp ở người lớn tuổi có suy giãn tĩnh mạch chi dưới.

3. Nguyên nhân và yếu tố gây bệnh ? 

  • Rối loạn hàng rào biểu bì: đặc biệt thiếu hụt filaggrin, dẫn đến mất nước qua da và dễ thẩm thấu dị nguyên.

  • Rối loạn miễn dịch: tăng hoạt các tế bào Th2, tăng IgE huyết thanh (trong viêm da cơ địa).

  • Yếu tố di truyền: đột biến gen FLG, tiền sử gia đình có bệnh lý dị ứng.

  • Yếu tố môi trường: khô lạnh, ô nhiễm, chất kích ứng, stress, thay đổi nội tiết.

4. Dấu hiệu nhận biết

  • Da khô, ngứa nhiều, đặc biệt sau khi tắm hoặc tiếp xúc chất tẩy rửa.

  • Nổi ban đỏ, có thể sưng, đóng vảy, đôi khi chảy dịch 

  • Dày, chai vùng da do gãi nhiều.

  • Vị trí tổn thương đặc trưng:

    • Trẻ sơ sinh: má, cằm, da đầu.

    • Trẻ em: vùng gấp (khuỷu, khoeo).

    • Người lớn: cổ, tay, nếp gấp.

5. Chẩn đoán

Lâm sàng:

  • Chủ yếu dựa trên khai thác triệu chứng, tiền sử cá nhân & gia đình.

  • Không có xét nghiệm đơn lẻ nào xác định bệnh.

Cận lâm sàng hỗ trợ:

  • Test dị ứng da (patch test): xác định yếu tố gây chàm tiếp xúc.

  • Xét nghiệm IgE huyết thanh: tăng trong viêm da cơ địa.

  • Sinh thiết da (nếu tổn thương không điển hình hoặc cần loại trừ bệnh lý khác).


6. Điều trị bệnh chàm

6.1. Nguyên tắc điều trị

  • Kiểm soát triệu chứng.

  • Phục hồi hàng rào bảo vệ da.

  • Loại trừ yếu tố kích phát và phòng ngừa tái phát.

6.2. Điều trị không dùng thuốc

  • Dưỡng ẩm da thường xuyên (≥2 lần/ngày): sử dụng sản phẩm chứa ceramide, petrolatum, urea...

  • Tắm nước ấm, tránh xà phòng có tính kiềm cao, nên dùng sữa tắm pH dịu nhẹ.

  • Hạn chế gãi, cắt móng tay, đeo bao tay khi ngủ.

  • Tránh dị nguyên đã biết, giữ môi trường sống sạch, đủ ẩm.

6.3. Điều trị bằng thuốc

  • Corticosteroid tại chỗ: lựa chọn theo mức độ tổn thương và vùng da (hydrocortisone, mometasone...).

  • Thuốc ức chế calcineurin (Tacrolimus, Pimecrolimus): phù hợp cho vùng da mỏng (mặt, nếp gấp).

  • Kháng histamin đường uống: kiểm soát ngứa (cetirizine, loratadine).

  • Kháng sinh, kháng virus: khi có bội nhiễm (vi khuẩn hoặc virus Herpes).

6.4. Điều trị nâng cao (nặng, dai dẳng)

  • Liệu pháp ánh sáng UVB dải hẹp.

  • Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân: Cyclosporin, Methotrexate, Azathioprine.

  • Sinh học mới (Biologics): Dupilumab – kháng IL-4/IL-13, chỉ định cho viêm da cơ địa nặng.

7. Phòng ngừa : 

Mặc dù chàm da không nguy hiểm tính mạng, nhưng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng sống nếu không kiểm soát tốt. Do đó:

  • Tránh tác nhân kích thích: chất tẩy rửa, dung môi, phấn hoa, thú cưng, thức ăn dễ dị ứng 

  • Quản lý stress, giữ tinh thần thoải mái 

  • Thói quen tốt: tắm đúng cách, dưỡng ẩm đều, mặc đồ phù hợp, tập luyện thể chất nhẹ nhàng

  • Theo dõi định kỳ với bác sĩ da liễu khi tình trạng dai dẳng hoặc tái phát liên tục.

Chàm Da là gì?  Căn Bệnh Ngứa Kinh Niên Khiến Nhiều Người Mệt Mỏi – Cách Điều Trị Đúng Ngay Từ Đầu
Bình luận
Viết bình luận